Ưu nhược điểm của các hình thức huy động vốn khi khởi nghiệp

Luật sư Trần Thị Hà – Công ty luật PHAROS

Nhiều người khởi nghiệp bằng việc mở công ty và có nhu cầu huy động vốn. Tuy nhiên lại chưa nắm rõ được hình thức huy động vốn là vay ngân hàng hay kêu gọi cá nhân, tổ chức để nắm được quyền kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp của mình.

Luật sư Trần Thị Hà – Công ty luật PHAROS cho biết, hiện nay, vay vốn từ tổ chức tín dụng; kêu gọi cá nhân, tổ chức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp là những hình thức huy động vốn cơ bản. Với hình thức kêu gọi đầu tư vào doanh nghiệp được thực hiện thông quá phát hành cổ phần (đối với loại hình công ty cổ phần), góp vốn bổ sung tăng vốn điều lệ (đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên).

Ảnh minh họa

Mỗi một hình thức đều có ưu và nhược điểm, cụ thể:

Hình thức vay vốn từ tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức khác:

– Ưu điểm: Người quản lý doanh nghiệp cũ vẫn trực tiếp điều hành doanh nghiệp theo kế hoạch mình đặt ra.

– Nhược điểm: Nếu vay ngân hàng, doanh nghiệp bắt buộc phải có tài sản thế chấp cho khoản vay của ngân hàng hoặc phải có người thứ 3 có tài sản đứng ra bảo lãnh cho khoản vay; doanh nghiệp phải trả lãi suất vay và thanh toán đẩy đủ tiền gốc và lãi suất cho bên cho vay theo đúng thời hạn đã quy định. Nếu chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền lãi và nợ gốc thì có thể bị phạt lãi suất hoặc bị thu hồi khoản vay, thậm chí phát mại tài sản thế chấp.

Hình thức kêu gọi cá nhân, tổ chức góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp:

– Ưu điểm: Doanh nghiệp không phải trả lãi suất và không phải chịu trách nhiệm thanh toán trả lại số tiền cá nhân, tổ chức đã góp vốn; các cá nhân, tổ chức góp vốn cùng được hưởng lợi nhuận khi công ty kinh doanh tốt và cùng chịu lỗ khi hoạt động kinh doanh không tốt.

– Nhược điểm: Hoạt động điều hành kinh doanh của chủ doanh nghiệp có thể bị thay đổi; do công ty đã có thêm các thành viên/cổ đông mới (các thành viên góp vốn hoặc các cổ đông mới có quyền tham gia, biểu quyết các hoạt động, kế hoạch kinh doanh của công ty), người quản lý doanh nghiệp cũ không còn được toàn quyền trực tiếp điều hành doanh nghiệp theo kế hoạch ban đầu đặt ra; trong hợp xấu nhất (thường gặp ở các công ty cổ phần), người quản lý doanh nghiệp cũ mất quyền điều hành doanh nghiệp nếu tỷ lệ vốn góp của cá nhân, tổ chức được kêu gọi đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp đạt tỷ lệ sở hữu mức chi phối.

Hoặc loại hình công ty TNHH một thành viên có thể phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành TNHH 2 thành viên hoặc cổ phẩn. Thực tiễn đối với hình thức đầu tư này, các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và các quỹ đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xu hướng đầu tư mức sở hữu chi phối, dẫn đến thay đổi quyền quyết định hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp cũ.

Trên cở sở phân tích nêu trên, người kinh doanh nên cân nhắc lựa chọn hình thức huy động vốn để đảm bảo nhu cầu vốn và quyền điều hành, kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp của mình – Luật sư Hà khuyên.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Link: https://phunuvietnam.vn/uu-nhuoc-diem-cua-cac-hinh-thuc-huy-dong-von-khi-khoi-nghiep-20221029175050003.htm

Bài viết liên quan