Những năm gần đây, Việt Nam đang từng bước thực hiện các chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về định kiến giới, khuôn mẫu giới, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới trong các mối quan hệ xã hội.
Theo luật sư Trần Thị Hà, Công ty Luật TNHH PHAROS, định kiến giới và khuôn mẫu giới không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt bình thường mà một số hành vi được xác định là vi phạm pháp luật theo quy định tại Luật Bình đẳng giới như sau: Cản trở việc nam/nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; Cản trở việc bổ nhiệm nam/nữ vào các cương vị quản lý, lãnh đạo, các chức danh chuyên môn; Cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh; Giáo dục hướng nghiệp, biên soạn và phổ biến sách giáo khoa có định kiến giới; Không đảm bảo quyền bình đẳng giữa vợ chồng, con trai, con gái…
Luật sư Trần Thị Hà – Công ty Luật TNHH PHAROS
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới. Theo quy định tại Nghị định 125/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền có thể lên đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức có các hành vi vi phạm bình đẳng giới.
Biện pháp xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới
Xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới mang lại nhiều lợi ích và những giá trị tích cực như: Giảm bớt áp lực cho nam giới với quan niệm truyền thống cho rằng nam giới phải là trụ cột gia đình; Xóa bỏ tính gia trưởng của nam giới góp phần xóa bỏ bạo lực gia đình; Giúp cho phụ nữ mạnh dạn, tự tin tham gia học tập nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội, chia sẻ vai trò trụ cột gia đình với nam giới; Cải thiện địa vị của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Giảm mất cân bằng giới tính khi sinh…
Để xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới cần chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ ngay từ gia đình, trường học rằng trẻ em trai, trẻ em gái, phụ nữ và nam giới được sinh ra và lớn lên đều có các quyền như nhau, cùng được gia đình và xã hội chăm sóc, giáo dục để phát huy khả năng của mỗi người, mỗi người đều được gia đình và xã hội tôn trọng ngang nhau- luật sư cho biết.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em” – Luật sư nêu quan điểm
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Tăng cường sự kết nối chặt chẽ hơn giữa gia đình và chính quyền cơ sở, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành nhằm nắm bắt tình hình và hạn chế các hành vi vi phạm về bình đẳng giới.
Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt, hoạt động tập huấn về bình đẳng giới cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, cũng như xây dựng môi trường hỗ trợ pháp lý cho họ để đảm bảo bình đẳng giới về tham gia công việc gia đình, việc làm luật sư Trần Thị Hà thông tin.